728x90 AdSpace

  • Latest News

    Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

    Tài chính tiền tệ - Bản chất vai trò của tài chính doanh nghiệp

    __________________________________________________________________



    1. Doanh nghiệp và bản chất tài chính doanh nghiệp
    Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế thực hiện chức năng kinh doanh. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là một sự kết hợp giữa các nhân tố đầu vào như vốn và lao động để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và tiêu thụ trên thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp có các hình thức tồn tại sau:


    - Doanh nghiệp tư nhân: thuộc sở hữu của một cá nhân, chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ và các khoản nợ của doanh nghiệp (tức là chủ sở hữu phải sử dụng cả tài sản của mình gồm phần tài sản đã đưa vào làm tài sản doanh nghiệp và chưa đưa vào để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp). Thu nhập của doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân của chủ doanh nghiệp.
    - Công ty hợp danh: thuộc sở hữu của từ hai người trở lên. Chủ sở hữu doanh nghiệp có trách nhiệm là vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.
    - Công ty trách nhiệm hữu hạn: hoạt động như mô hình doanh nghiệp hợp danh (tức là có nhiều người góp vốn để thành lập doanh nghiệp) nhưng trách nhiệm của các thành viên chỉ giới hạn ở số vốn đã góp.
    - Công ty cổ phần: được thành lập trên cơ sở góp vốn cổ phần của các cổ đông. Công ty cổ phần tồn tại như một thực thể độc lập với các chủ sở hữu, trách nhiệm giới hạn ở số vốn điều lệ.


    Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu điểm và nhược điểm riêng và phù hợp với quy mô và trình độ phát triển nhất định. Hầu hết các doanh nghiệp lớn hoạt động với tư cách là các công ty cổ phần và đây cũng là loại hình phát triển nhất của doanh nghiệp.
     Khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, ăn khớp về những hoạt động liên quan tới nhà nước, các thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động và tổ chức nội bộ trong doanh nghiệp, nhằm tạo ra sự tăng trưởng, đạt được tỷ suất lợi nhuận tối đa. Chính trong quá trình đó đã làm nảy sinh hàng loạt những quan hệ kinh tế với các chủ thể khác thông qua sự vận động của vốn tiền tệ.


    - Quan hệ kinh tế với nhà nước
    Theo quy định của luật pháp, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ pháp lý trong việc nộp thuế cho nhà nước. Lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được phụ thuộc lớn vào chính sách thuế. Mặt khác, sự thay đổi về chính sách tài chính vĩ mô của nhà nước làm thay đổi môi trường đầu tư, từ đó cũng ảnh hưởng tới cơ cấu vốn kinh doanh, chi phí hoạt động của từng doanh nghiệp, chẳng hạn như chính sách đầu tư, hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với doanh nghiệp.
    - Quan hệ kinh tế với thị trường
    Với tư cách là chủ thể kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp không thể tách rời hoạt động của thị trường. Doanh nghiệp tiếp cận thị trường trên hai phương diện. Thứ nhất, thị trường là nơi cung cấp các yếu tố đầu vào để doanh nghiệp lựa chọn, như thị trường hàng hóa cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, dịch vụ; thị trường tài chính cung cấp nguồn tài chính đa dạng, phong phú nhằm thỏa mãn nhu cầu vốn, thị trường lao động cung ứng lao động cần thiết cho doanh nghiệp. Thứ hai, thị trường là nơi để các doanh nghiệp tiêu thụ những hàng hóa dịch vụ đầu ra của mình.
                -  Quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp
    Gồm các quan hệ tài chính như:
    + Quan hệ giữa doanh nghiệp mẹ và doanh nghiệp con,
    + Quan hệ giữa doanh nghiệp với người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp,
    + Quan hệ giữa doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp,
    + Quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động…


    Nhìn chung, các quan hệ kinh tế nêu trên đã khái quát hóa toàn bộ những khía cạnh về sự vận động của vốn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc trưng của sự vận động của vốn này là luôn gắn liền chặt chẽ với quá trình phân phối các nguồn tài chính giữa doanh nghiệp và xã hội nhằm tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp phục vụ cho quá trình kinh doanh.


    Từ các quan hệ kinh tế tài chính đã nêu trên có thể định nghĩa bản chất của tài chính doanh nghiệp là hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn lực tài chính, được thực hiện thông qua quá trình huy động và sử dụng các loại vốn, quỹ tiền tệ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.


    2. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
    Tài chính doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế tồn tại khách quan trong nền kinh tế hàng hóa - tiền tệ. Sự vận động của nó một mặt phải tuân theo những quy luật kinh tế khách quan, mặt khác do tài chính doanh nghiệp là các quan hệ nằm trong hệ thống những quan hệ kinh tế gắn liền với hoạt động kinh doanh nên tài chính doanh nghiệp còn chịu sự chi phối bởi các mục tiêu và phương hướng thúc đẩy hay kìm hãm hoạt động kinh doanh. Trên góc độ này tài chính doanh nghiệp được xem là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong quản lý kinh doanh.


    Vai trò của tài chính doanh nghiệp được biểu hiện qua các mặt sau:


    - Thứ nhất, tài chính doanh nghiệp tổ chức huy động và phân phối sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả. Đối với một doanh nghiệp, vốn là yếu tố vật chất cho sự tồn tại và phát triển. Do vậy, vấn đề tổ chức huy động và phân phối sử dụng vốn sao cho có hiệu quả trở thành nhiệm vụ rất quan trọng đối với công tác quản lý tài chính doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, vốn cũng là một loại hàng hóa, cho nên việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phải trả một khoản chi phí nhất định. Vì thế, doanh nghiệp cần phải chủ động xác định nhu cầu vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Song song với quá trình huy động vốn, tài chính doanh nghiệp còn có vai trò tổ chức phân phối, sử dụng vốn để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất. Tính hiệu quả của việc sử dụng vốn được biểu hiện ở hai khía cạnh:
    + Về mặt kinh tế, lợi nhuận tăng, vốn của doanh nghiệp không ngừng được bảo toàn và phát triển.
    + Về mặt xã hội, các doanh nghiệp không chỉ làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước mà còn không ngừng nâng cao mức thu nhập của người lao động.
    Để đạt được các yêu cầu trên đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường, lựa chọn phương án kinh doanh thích hợp và có hiệu quả. Trên cơ sở phương án kinh doanh đã được xác định, doanh nghiệp tổ chức bố trí sử dụng vốn theo phương châm: tiết kiệm, nâng cao vòng quay và khả năng sinh lời của đồng vốn.


    - Thứ hai, tài chính doanh nghiệp tạo lập các đòn bẩy tài chính để kích thích điều tiết các hoạt
    động kinh tế trong doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều người, nhiều bộ phận với nhau, đặt trong các mối quan hệ kinh tế. Vì vậy, nếu sử dụng linh hoạt, sáng tạo các quan hệ phân phối của tài chính để tác động đến các chính sách lương, tiền thưởng và các chính sách khuyến khích vật chất khác sẽ có tác động tích cực đến việc tăng năng suất, kích thích tiêu dùng, tăng vòng quay vốn và cuối cùng là tăng được lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu người quản lý phạm phải những sai lầm trong việc sử dụng các đòn bẩy tài chính và tạo nên cơ chế quản lý tài chính kém hiệu quả, thì tài chính doanh nghiệp lại trở thành “vật cản” gây kìm hãm hoạt động kinh doanh.


    - Thứ ba, tài chính doanh nghiệp kiểm tra đánh giá hiệu quả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Xuất phát từ vấn đề có tính nguyên lý là khi đầu tư vốn kinh doanh bất kỳ nhà doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn đồng vốn của mình mạng lại hiệu quả kinh tế cao nhất, do vậy với tư cách là một công cụ quản lý hoạt động kinh doanh, tài chính doanh nghiệp nhất thiết phải có vai trò kiểm tra để nâng cao tính tiết kiệm và hiệu quả của đồng vốn. Tài chính doanh nghiệp thực hiện kiểm tra bằng đồng tiền và tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính. Cụ thể các chỉ tiêu đó là chỉ tiêu về kết cấu tài chính, chỉ tiêu về các khả năng thanh toán, chỉ tiêu đặc trưng về hoạt động, sử dụng các nguồn tài chính, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời… Bằng việc phân tích các chỉ tiêu tài chính, cho phép doanh nghiệp có căn cứ quan trọng để đề ra kịp thời các giải pháp tối ưu làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp.


    Download toàn bộ bài viết tại đây
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed: Tài chính tiền tệ - Bản chất vai trò của tài chính doanh nghiệp Rating: 5 Reviewed By: Unknown
    Scroll to Top