_________________________________________________________________
1. Khái niệm về thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động mua bán ngoại hối. Cùng với sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc thì ngày nay khái niệm thị trường ngoại hối có xu hướng nghiêng về hoạt động giao dịch hơn là địa điểm. Những hoạt động giao dịch thông qua hệ thống thông tin mà không có địa điểm xác định gọi là thị trường phi tập trung (OTC). Thông qua tác động qua lại của cung cầu trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái được xác định.
Tỷ giá hối đoái (viết tắt là e)
Tỷ giá hối đoái là giá của đồng tiền này được thể hiện qua đồng tiền kia hay tỷ lệ so sánh giữa hai đồng tiền của hai quốc gia. Ví dụ: tại New York ngày 01/01/2004: 1USD = 108JPY (Yen Nhật Bản).
Đối với những quốc gia có đồng tiền với giá trị thấp như Việt Nam, tỷ giá thường được định nghĩa là số đồng bản tệ (nội tệ) cần thiết để mua một đồng ngoại tệ. Ví dụ để mua 1USD ta cần phải có 15.700VND.
Liên quan đến tỷ giá hối đoái, có các hiện tượng như giảm giá, lên giá, phá giá và nâng giá.
- Giảm giá xảy ra khi giá của một loại tiền giảm đi so với một loại tiền khác. Giảm giá là kết quả của quan hệ cung cầu trên thị trường ngọai hối, khi cung vượt cầu thì tỷ giá sẽ giảm.
- Lên giá xảy ra khi giá của một loại tiền tăng so với một loại tiền tệ khác. Lên giá là kết quả của quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối, khi cầu vượt cung thì tỷ giá sẽ tăng hay lên giá.
Khi so sánh hai đồng tiền, nếu đồng tiền này giảm giá thì đồng tiền kia lên giá. Ngược lại nếu đồng tiền này lên giá thì đồng tiền kia giảm giá. Hiện tượng lên giá hay giảm giá là do thị trường hay quan hệ cung cầu quyết định.
- Phá giá (devaluation) là làm cho một đồng tiền giảm giá trong hệ thống tỷ giá cố định hay tỷ giá thả nổi có kiểm soát. Trong trường hợp tỷ giá cố định, giá trị của một loại tiền tệ có thể được cố định theo giá của vàng hay một loại đồng ngoại tệ nào đó (thường là các ngoại tệ mạnh như USD, EUR, JPY…). Ví dụ: đô la Mỹ trước đây được đảm bảo bằng vàng, có một thời điểm người ta qui định 1USD=0,6685 gram vàng. Sau đó chính phủ Mỹ quyết định giảm hàm lượng vàng của 1USD xuống còn 0,6654 gram vàng. Như vậy chính phủ Mỹ đã phá giá đồng đô la Mỹ.
- Nâng giá (revaluation) là làm cho một đồng tiền lên giá trong hệ thống tỷ giá cố định hay tỷ giá thả nổi có kiểm soát. Như vậy sự nâng giá và phá giá chỉ xảy ra đối với hệ thống tỷ giá cố
định hay tỷ giá thả nổi có kiểm soát, sự phá giá hay nâng giá là do chủ quan, do sự can thiệp của chính phủ. Ngược lại, sự lên giá hay giảm giá không xảy ra với hệ thống tỷ giá cố định.
Tính chuyển đổi của tiền tệ
Tính chuyển đổi (convertibility) là mức độ để dễ dàng chuyển đổi một đồng tiền này sang một đồng tiền khác. Có thể phân biệt mức độ chuyển đổi: chuyển đổi hoàn toàn; chuyển đổi không hoàn toàn và không thể chuyển đổi. Một đồng tiền có khả năng chuyển đổi hoàn toàn khi dễ dàng chuyển đổi ra bất kỳ một lọai đồng tiền khác bởi bất kỳ ai, với bất kỳ số lượng nào và ở bất cứ nơi đâu. Ví dụ: USD, GBP, EUR, JPY. Chuyển đổi không hoàn toàn là khả năng chuyển đổi của một đồng tiền với những điều kiện nhất định, thường ở phạm vi hạn chế có tính khu vực. Có nhiều lọai tiền khi ra khỏi lãnh thổ một nước thì không có khả năng chuyển đổi, đây là những đồng tiền yếu và không ổn định.
2. Xác định tỷ giá hối đoái
Các nhân tố xác định tỷ giá hối đoái phụ thuộc vào hệ thống tỷ giá hối đoái được áp dụng đối với một đồng tiền. Có ba hệ thống tỷ giá là hệ thống tỷ giá cố định, tỷ giá linh hoạt (thả nổi) và hệ thống thả nổi có quản lý hay kiểm soát.
- Đối với tỷ giá hối đoái cố định: ngân hàng trung ương (NHTW) là cơ quan xác định tỷ giá hối đoái. Tỷ giá giao dịch do NHTW quyết định, buộc các đơn vị kinh tế phải tuân theo.
- Đối với tỷ giá hối đoái linh hoạt: tỷ giá hối đoái được xác định bởi cung và cầu đối với một loại tiền hay nói cách khác tỷ giá do thị trường quyết định.
- Đối với tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý: tỷ giá hối đoái cơ bản được xác định bởi cung và cầu trên thị trường nhưng nhà nước có thể can thiệp khi cần thiết để điều chỉnh theo định hướng của mình.
Trong hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi hay thả nổi có quản lý, các nhân tố chính tác động đến tỷ giá hối đoái gồm (giả sử xét tỷ giá giữa VND và USD):
- Cung về USD
+ Việt nam xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài.
+ Người nước ngoài mua tài sản tại Việt Nam (luồng vốn đầu tư vào Việt Nam)
- Cầu về USD
+ Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài.
+ Người Việt Nam mua tài sản ở nước ngoài (luồng vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam)
3. Tỷ giá hối đoái thực (real exchange rate – RER)
Trong đó:
- NER là tỷ giá hối đoái danh nghĩa, là một số đơn vị đồng tiền một quốc gia cần thiết để mua một đơn vị đồng tiền của một quốc gia khác. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa chính là tỷ giá trên thị trường hối đoái.
- Pf là chỉ số ở nước ngòai (nước có đồng tiền so sánh)
- P là chỉ số giá trong nước
Nếu RER tăng, hàng ngoại trở nên mắc hơn tương đối so với hàng nội hay nói cách khác hàng hóa nội địa sẽ rẻ hơn tương đối so với hàng ngoại. Do vậy, hàng nội (hàng Việt Nam) có khả năng cạnh tranh cao hơn vả sẽ xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn.
Nếu P = Pf thì RER = NER, tuy nhiên thực tế trong thập niên 1990 khi so sánh chỉ số tăng giá nước ngoài (Ví dụ Mỹ) với Việt Nam, chúng ta thấy chỉ số tăng giá của Việt Nam cao hơn. Nếu NER không thay đổi hay thay đổi ít thì rõ ràng RER của VND so với USD có xu hướng giảm, điều này sẽ không kích thích được xuất khẩu.
4. Những nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu ròng và các luồng vốn
Hai nhân tố chính ảnh hưởng đến xuất khẩu ròng: sản lượng trong nước (Y), và tỷ giá hối đoái thực (RER). Nói cách khác NX là một hàm số theo các biến Y và RER.
- Nếu sản lượng trong nước Y tăng, tức thu nhập của dân cư trong nước tăng lên thì người dân sẽ mua nhiều hàng nhập khẩu hơn nên xuất khẩu ròng giảm.
- Nếu tỷ giá hối đoái thực RER tăng thì xuất khẩu ròng tăng ( M giảm, X tăng): vì hàng nhập khẩu trở nên mắc hơn nên nhập khẩu giảm (Việt Nam nhập khẩu ít hơn) và hàng xuất khẩu của Việt Nam ở các nước khác trở nên rẻ hơn nên chúng ta xuất khẩu được nhiều hơn (hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn). Phải lưu ý rằng tỷ giá thực RER được quyết định bởi tỷ giá danh nghĩaNER, chỉ số giá trong nước P và chỉ số giá nước ngoài Pf. Nếu như P giảm tương đối so với Pf, thì tỷ giá hối đoái thực tăng, hàng hóa của Việt Nam trở nên rẻ hơn so với người nước ngoài (hàng nước ngoài trở nên mắc hơn so với hàng Việt Nam). Điều này có nghĩa là nhập khẩu hàng hóa nước ngoài sẽ ít đi, nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ tăng lên. Do đó xuất khẩu ròng NX tăng.
- Nếu RER giảm, thì hàng nước ngoài trở nên rẻ hơn hay hàng Việt Nam mắc hơn, hàng Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài.
- Tỷ giá danh nghĩa NER: để cho đơn giản, chúng ta giả sử rằng không có lạm phát ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, nên P =1 và Pf = 1. Do vậy, RER=NER hay tỷ giá hối đoái thực tế bằng tỷ giá hối đoái danh nghĩa. Khi NER giảm thì RER giảm, VND tăng giá hay mạnh hơn so với ngoại tệ và hàng Việt Nam trở nên mắc hơn so với hàng hóa nước ngoài nên hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh. Ngược lại, khi NER tăng thì RER tăng, tức VND giảm giá hay yếu đi so với ngọai tệ và hàng Việt Nam trở nên rẻ hơn so với hàng hóa nước ngòai nên hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Khi xuất khẩu tăng hoặc nhập khẩu giảm thì xuất khẩu ròng tăng.
Trong điều kiện nền kinh tế mở và không có kiểm soát vốn hay tự do hóa tài chính, các luồng vốn đầu tư quốc tế được tự do di chuyển nhằm tìm kiếm nơi đầu tư có lợi hơn. Các luồng vốn (CF) là giá trị thưong mại ròng về tài sản, hay dòng vốn ròng chảy vào trong nước, tức là tổng dòng vốn vào trong nước trừ đi tổng dòng vốn ra nước ngoài. Nếu giá trị dương CF thể hiện Việt Nam bán tài sản cho các quốc gia khác nhiều hơn lượng tài sản mua về. Cũng cần lưu ý rằng, trái phiếu chính phủ cũng là một tài sản. Như vậy, sự gia tăng về khối lượng nợ chính phủ bán ra nước ngoài được xem như là một luồng vốn dương. Trong khi đó xuất khẩu ròng NX là giá trị thương mại ròng về hàng hóa và dịch vụ, nếu giá trị NX dương thể hiện Việt Nam bán hàng hóa sang các quốc gia khác nhiều hơn số lượng mua về. Tổng NX và CF là tổng dòng tiền ròng chảy vào trong nước (Việt Nam).
Nhân tố kinh tế ảnh hưởng đến các luồng vốn là lãi suất thực (khả năng sinh lời của đồng vốn) mà nhà đầu tư nhận được. Nếu lãi suất trong nước i > if (lãi suất nước ngoài) thì các nhà đầu tư nước ngòai muốn đầu tư vào Việt Nam, khi đó luồng vốn vào lớn hơn luồng vốn ra, tức CF>0. ngược lại, nếu i < if thì các nhà đầu tư muốn rút vốn ra khỏi Việt Nam hay đầu tư ra nước ngòai do đó CF<0. lưu ý rằng chúng ta chỉ quan tâm đến lãi suất thực vì vậy các nhân tố về rủi ro hay lạm phát cũng cần phải đề cập đến. Lãi suất danh nghĩa thu được có thể cao nhưng các yếu tố rủi ro hay lạm phát quá lớn có thể làm cho các nhà đầu tư không muốn bỏ vốn đầu tư.
Download toàn bộ bài viết tại đây
Download toàn bộ bài viết tại đây
0 nhận xét:
Đăng nhận xét