___________________________________________________________________
1. Chính sách tài khóa trong lý thuyết.
Chính sách tài khóa là việc Chính phủ sử dụng thuế khóa và chi tiêu công cộng để điều tiết mức chi tiêu chung của nền kinh tế.
Giả sử trong nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái và thất nghiệp, Chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế sẽ khiến sản lượng tăng lên và mức việc làm đầy đủ có thể khôi phục lại.
Ngược lại, khi nền kinh tế đang trong tình trạng phát đạt quá mức, lạm phát tăng lên, Chính phủ có thể giảm chi tiêu và tăng thuế, nhờ đó mức chi tiêu chung giảm đi, sản lượng giảm theo và lạm phát sẽ chững lại.
Tuy nhiên, trong thực tế, chính sách tài khóa không có đủ sức mạnh như vậy nên khi nền kinh tế không ổn định, chu kỳ kinh doanh chưa được khắc phục hoàn toàn.
2. Chính sách tài khóa trong thực tế.
Trước khi nghiên cứu những vấn đề áp dụng chính sách tài khóa trong thực tiễn, ta xem xét một cơ chế đặc biệt của chính sách này. Đó là cơ chế ổn định tự động:
- Hệ thống thuế có vai trò như một bộ tự ổn định tự động nhanh và mạnh như việc áp dụng phương pháp lũy tiến trong thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp.
- Hệ thống bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp và các chuyển khoản mang tính chất xã hội khác hoạt động khá nhạy cảm trong việc bơm tiền vào và rút tiền ra khỏi nền kinh tế góp phần ổn định hệ thống kinh tế.
Tuy nhiên, trong thực tế chính sách tài khóa bị nhiều hạn chế:
- Khó tính toán một cách chính xác liều lượng cần thiết của chính sách.
- Chính sách tài khóa có độ trễ bên trong và bên ngoài do phụ thuộc vào các yếu tố chính trị và cơ cấu tổ chức bộ máy khá lớn. Độ trễ bên trong gồm thời gian thu nhập thông tin, xử lý thông tin và ra quyết định. Độ trễ bên ngoài bao gồm quá trình phổ biến, thực hiện và phát huy tác dụng.
- Chính sách tài khóa thường được thực hiện thông qua các dự án công cộng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển việc làm và trợ cấp xã hội với kết quả đa số dự án kém hiệu quả kinh tế.
3. Chính sách tài khóa và vấn đề thâm thụt ngân sách.
3.1. Khái niệm về thâm hụt ngân sách.
Ngân sách Nhà nước là tổng các kế hoạch chi tiêu và thu nhập hàng năm của chính phủ bao gồm các khoản thu chủ yếu từ thuế, các khoản chi ngân sách.
Gọi B là hiệu số giữa thu và chi ngân sách, ta có:
B = T – G (1)
Khi B > 0 ta có thặng dư ngân sách.
Khi B = 0 ta có cân bằng ngân sách
Khi b < 0 ta bị thâm thụt ngân sách.
Khi nghiên cứu vấn đề thâm hụt ngân sách, cần phân biệt 3 khái niệm:
- Thâm hụt ngân sách thực tế: Chênh lệch giữa số chi thực tế, số thu thực tế trong một thời kỳ nhất định.
- Thâm hụt ngân sách cơ cấu: thâm hụt tính toán trong trường hợp nếu nền kinh tế hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.
- Thâm thụt ngân sách chu kỳ: Thâm thụt ngân sách bị động do tình trạng của chu kỳ kinh doanh.
Thâm hụt chu kỳ bằng hiệu số giữa thâm hụt thực tế và thâm hụt cơ cấu. Trong 3 loại thâm hụt trên, thâm hụt cơ cấu phản ánh kết quả hoạt động chủ quan của chính sách tài khóa như: định ra thuế suất phúc lợi, bảo hiểm... Vì vậy, để đánh giá kết quả của chính sách tài khoá phải sử dụng thâm hụt cơ cấu.
3.2 Chính sách tài khoá cùng chiều và chính sách tài khoá ngược chiều:
Từ công thức (1), ta thấy hàm ngân sách có dạng đơn giản như sau:
B=tY-G
Trong đó: B: Cán cân ngân sách
G: Chi tiêu ngân sách
tY: Thu ngân sách
- Nếu Chính phủ thiết lập một chính sách thu chi ngân sách sao cho tại mức sản lượng tiềm năng thì ngân sách là cân bằng, ta có:
B = tY - G = 0
hay: G = tY
Như vậy, mức thu nhập hay sản lượng < sản lượng tiềm năng thì ngân sách sẽ thâm hụt. Ngược lại, ngân sách sẽ thặng dư.
- Nếu mục tiêu của Chính phủ là luôn đạt được ngân sách cân bằng dù sản lượng thay đổi như thế nào thì chính sách đó gọi là chính sách tài khoá cùng chiều. Khi kinh tế suy thoái, ngân sách thâm hụt, Chính phủ phải giảm chi tiêu hoặc tăng thuế hoặc sử dụng cả 2 biện pháp để ngân sách được cân bằng. Đổi lại chi tiêu nền kinh tế giảm, sản lượng giảm, suy thoái sẽ sâu sắc thêm.
Ngược lại, nếu mục tiêu Chính phủ là giữ cho nền kinh tế luôn ở mức sản lượng tiềm năng với mức việc làm đầy đủ thì Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá ngược chiều. Khi nền kinh tế suy thoái, Chính phủ cần tăng chi tiêu hoặc giảm thuế hoặc áp dụng cả 2 biện pháp nhằm giữ cho chi tiêu ở mức cao, sản lượng tăng lên đến sản lượng tiềm năng. Đổi lại ngân sách sẽ bị thâm hụt cơ cấu do chính sách chủ quan của Chính phủ.
Việc Chính phủ theo đuổi chính sách cùng chiều hay ngược chiều (với chu kỳ kinh doanh) phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ chính trị, vào các tình huống cụ thể của mỗi nước ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.
4. Thâm hụt ngân sách và vấn đề tháo lui đầu tư:
Các biện pháp của chính sách tài khoá chủ động gây nên thâm hụt cơ cấu và kéo theo hiện tượng tháo lui đầu tư.
- Cơ chế tháo lui đầu tư: Khi G tăng hoặc T giảm, GNP sẽ tăng lên theo hệ số nhân, nhu cầu về tiền tăng theo. Với mức cung về tiền cho trước, lãi suất sẽ tăng theo bóp nghẹt một số đầu tư. Kết quả là một phần GNP tăng lên sẽ bị mất đi và tác động của chính sách tài khoá sẽ giảm đi. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và tiền tệ trong việc giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế.
5. Các biện pháp tài trợ cho thâm hụt ngân sách:
Trường hợp các biện pháp hạn chế thâm hụt ngân sách mà cơ bản là “tăng thu giảm chi” không giải quyết được toàn bộ thâm hụt, các Chính phủ phải sử dụng các biện pháp tài trợ cho thâm hụt. Có 4 biện pháp tài trợ:
- Vay nợ trong nước (vay dân)
- Vay nợ nước ngoài
- Sử dụng dự trữ ngoại tệ
- Vay ngân hàng (in tiền)
Mỗi biện pháp đều có thể gây ảnh hưởng phụ đến nền kinh tế nên phải có biện pháp hạn chế và trung hoà các ảnh hưởng này, làm cho chúng không gây nên những tác động xấu đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
6. Chính sách tài khoá và vấn đề thâm hụt ngân sách của nước ta trong thời gian qua:
Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung mang nặng tính chất “cấp phát và giao nộp”, “thu để chi”, thuế và ngân sách chưa thật sự là những công cụ điều tiết vĩ mô.
Khi nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nền tài chính quốc gia từng bước được đổi mới:
- Vấn đề cấp bách đầu tiên là giảm được thâm hụt ngân sách, hạ cơn sốt lạm phát, ổn định giá cả thông qua các biện pháp giảm chi tiêu Chính phủ, xoá bỏ dần các loại trợ cấp qua giá, lương, bù lỗ cho doanh nghiệp Nhà nước.
- Cải cách một cách cơ bản hệ thống thuế theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế, tăng tỷ lệ động viên từ thuế so với GDP, đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hệ thống thu thuế các cấp đang được kiện toàn.
- Cải cách trong lĩnh vực sản xuất, chi tiêu ngân sách trở thành công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, điều tiết thu nhập thông qua các chương trình xoá đói giảm nghèo, các chính sách trợ cấp của Chính phủ.
- Đổi mới các biện pháp trợ cấp cho thâm hụt ngân sách như phát hành trái phiếu kho bạc, giảm và tiến tới chấm dứt phát hành tiền cho thâm hụt ngân sách từ năm 1992.
Tóm lại, thuế và chi tiêu Chính phủ đang dần trở thành những công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Nhà nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét