___________________________________________________________________
1. Khái niệm chung về ngân sách nhà nước.
Về mặt hình thức, ngân sách nhà nước là dự toán (kế hoạch) thu - chi bằng tiền của nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 1 năm.
Về mặt bản chất, ngân sách nhà nước là hệ thống những quan hệ tài chính giữa nhà nước và xã hội, phát sinh, gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của nhà nước khi nhà nước huy động và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia nhằm thực hiện các chức năng của mình trên cơ sở luật định.
Đặc điểm của ngân sách nhà nước:
- Ngân sách nhà nước gắn liền với quyền lực của nhà nước, là công cụ vật chất của nhà
nước để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình,
- Ngân sách nhà nước là một kế hoạch tài chính, nên có giai đoạn dự kiến, thực hiện và kết thúc; là kế hoạch vĩ mô vì nó có vị trí quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tài chính vĩ mô.
- Thực thể ngân sách nhà nước là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất để phân biệt với các quỹ tiền tệ khác,
- Hoạt động ngân sách nhà nước tiến hành theo luật định rõ ràng,
- Ngân sách nhà nước gắn với hình thức sở hữu nhà nước; gắn với nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp.
2. Hệ thống ngân sách nhà nước:
Hệ thống ngân sách nhà nước là tổng thể các cấp ngân sách có quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình sử dụng các nguồn tài chính để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp ngân sách.
Hệ thống ngân sách nhà nước Việt Nam gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách địa phương gồm ba cấp (1) Ngân sách cấp tỉnh và cấp tương đương, (2) Ngân sách cấp huyện và cấp tương đương và (3) Ngân sách cấp xã và cấp tương đương. Hệ thống ngân sách nhà nước được mô tả như trong sơ đồ.
Quan hệ giữa các cấp ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc:
- Ngân sách trung ương và ngân sách mỗi cấp chính quyền được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể. Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân sách, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của quốc gia và hỗ trợ tài chính cho các địa phương chưa cân đối được.
- Nhiệm vụ chi thuộc cấp ngân sách nào do cấp ngân sách đó tự cân đối. Trường hợp cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi thuộc chức năng của mình thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó.
- Thực hiện phân chia theo tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp và bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để đảm bảo công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng và địa phương.
- Ngoài cơ chế bổ sung nguồn thu và cơ chế uỷ quyền, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho các nhiệm vụ của cấp khác.
Download toàn bộ bài viết tại đây
Download toàn bộ bài viết tại đây
0 nhận xét:
Đăng nhận xét